Dẫn đầu phong trào sáng kiến của ngành dầu khí

LIÊN DOANH VIỆT-NGA VIETSOVPETRO:

Dẫn đầu phong trào sáng kiến của ngành dầu khí

 

Trải qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro đã khẳng định vai trò dẫn đầu trong các phong trào thi đua sáng kiến - sáng chế của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế to lớn.

Ông Từ Thành Nghĩa (trái) Tổng giám đốc Vietsovpetro tặng Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho 4 đơn vị có nhiều thành tích trong hoạt động sáng kiến-sáng chế giai đoạn 2013-2014.
Ông Từ Thành Nghĩa (trái) Tổng giám đốc Vietsovpetro tặng Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho 4 đơn vị có nhiều thành tích trong hoạt động sáng kiến-sáng chế giai đoạn 2013-2014.

Những sáng kiến đột phá

Tại hội nghị tổng kết hoạt động sáng kiến-sáng chế Vietsovpetro giai đoạn 2013-2014 mới đây, kỹ sư Lê Quang Nhạc được đánh giá là người có nhiều sáng kiến đem lại hiệu quả kinh tế nhất. Trong số những sáng kiến đột phá ấy của ông phải kể đến sáng kiến “Áp dụng công nghệ khoan bằng hệ thống khoan xoay định hướng trong quá trình khoan đoạn thân giếng có đường kính 12¼”. Đây là sáng kiến ứng dụng công nghệ khoan bằng hệ thống tự động do ông cùng 2 đồng nghiệp Nguyễn Thành Trường và Bùi Văn Tính thực hiện. Kỹ sư Nhạc cho biết, trước kia khi chưa dùng hệ thống này thì công tác chỉnh xiên rất chậm và mất nhiều thời gian. Mỗi lần đo phải dừng khoan lại và lấy thông số xong phải tự chỉnh, còn giờ khoan đến đâu thì tự động đưa thông số về quỹ đạo-đi đúng quỹ đạo mong muốn. Đặc biệt, thời gian tiếp xúc giữa bộ cần khoan và thành giếng rất ít nên giảm thiểu nguy cơ bị sự cố kẹt bộ cần khoan trong giếng do ma sát. Theo tính toán của kỹ sư Nhạc thì trung bình tiết kiệm được thời gian thi công 1 giếng từ 5-8 ngày. Trong khi chi phí mỗi ngày sử dụng giàn khoảng 150 ngàn USD chưa kể các dịch vụ kèm theo, vị chi phải mất khoảng 200 ngàn USD mỗi ngày. Trong năm đầu tiên đưa vào sử dụng hệ thống mới này đã tiết kiệm hơn 12 triệu USD/năm.

Là người đam mê, yêu nghề, tận tụy với công việc, kỹ sư Lê Quang Nhạc luôn tìm các giải pháp để khắc phục khi thấy khuyết điểm trong mỗi chi tiết dù nhỏ nhất. Các sáng kiến của ông khi đưa vào ứng dụng đều rất thành công. Một số sáng kiến của ông và đồng nghiệp được đánh giá cao như: “Ứng dụng phương pháp cắt ống chống đường kính 168mm; 245mm bằng thủy lực cát”, “Ứng dụng phương pháp đo địa vật lý trong khi khoan LWD vào các giếng khoan mỏ Nam Rồng-Đồi Mồi”… Hiện tại, tuy đã nghỉ hưu nhưng kỹ sư Nhạc luôn trăn trở về những sáng kiến chưa kịp thực hiện. Kỹ sư Nhạc chia sẻ: “Khi đã tâm huyết với nghề, tôi luôn mong muốn mọi công việc được thực hiện nhẹ nhàng trôi chảy. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả công việc cho bản thân tôi mà còn giúp các anh em đồng nghiệp khác thấy nhẹ nhàng hơn trong quá trình làm việc. Mỗi một sáng kiến đều xuất phát từ mong muốn ấy”.

Hoạt động sáng kiến - sáng chế đã thu hút rất đông CBCNV và công nhân lao động Vietsovpetro tham gia. Kỹ sư Nguyễn Hoài Vũ, chuyên viên Phòng kỹ thuật sản xuất bộ máy điều hành là người có nhiều sáng kiến nhất trong giai đoạn 2011-2012 và 2013-2014 cho biết, từ năm 2011-2014, anh Vũ cùng với nhiều đồng nghiệp ở bờ cũng như trên các công trình biển liên tục đề xuất 37 giải pháp được Hội đồng Sáng kiến-sáng chế công nhận là sáng kiến-hợp lý hóa sản xuất và áp dụng vào sản xuất. Có nhiều sáng kiến khi áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những sáng kiến còn lại sau khi áp dụng, lợi ích không tính ra được thành tiền nhưng đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn trong nhiều lĩnh vực. Các giải pháp kỹ thuật của anh và đồng nghiệp đưa ra xuất phát từ việc tìm lời giải cho các “bài toán công nghệ” sau khi đưa các công trình mới vào làm việc như sáng kiến: “Tối ưu hóa hệ thống vận chuyển dầu trên giàn 8”, “Nâng cao khả năng phân dòng cho hệ thống vận chuyển dầu trên giàn 4”, với giàn nén khí mỏ Rồng là sáng kiến “Sử dụng đuốc giàn RP-1 để hỗ trợ ứng cứu sự cố cho hệ thống thu gom khí mỏ Rồng”… Anh và đồng nghiệp còn tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, bất cập phát sinh sau khi đưa vào vận hành các giàn nhẹ ở mỏ Rồng (RC). Vì khi thiết kế chưa có đủ các dữ liệu nên các thiết kế chưa thật phù hợp với thực tế vận hành. Đó là sáng kiến “Tối ưu hóa hệ thống vận chuyển dầu từ RC-1/3 sang RP-2”, “Cải tạo hệ thống đo dầu trên RC nhằm nâng cao độ chính xác khi tính toán lượng dầu khai thác trên RC-DM, RC-4, RC-5”…  Hay như các giải pháp nhằm tận dụng các vật tư, trang thiết bị không còn sử dụng trên các công trình biển như: “Cải tạo các bồn đo vật liệu rời ở Block 18 để sử dụng làm bình chứa nước ngọt tại giàn MSP-3”…

Mỗi năm làm lợi gần 20 triệu USD

Tổ chức hoạt động sáng kiến -sáng chế của Vietsovpetro được thành lập ngay từ những ngày thành lập Liên doanh Vietsovpetro. Để đáp ứng đòi hỏi thực tế sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Vietsovpetro luôn đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Khoa học để tìm kiếm những nhà sáng kiến, sáng chế có những nghiên cứu thiết thực. Sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển, cùng với sự lớn mạnh của Vietsovpetro, hoạt động sáng kiến, sáng chế và giải pháp hữu ích đã không ngừng phát triển, đổi mới và hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, mở rộng về quy mô. Thành quả này góp phần không nhỏ vào việc hợp lý hóa sản xuất, sử dụng hiệu quả cơ cở vật chất hiện có, tiết giảm chi phí sản xuất, tạo nguồn thu nhập về cơ sở vật chất, khuyến khích về mặt tinh thần cho người lao động.

Trung bình mỗi năm, Vietsovpetro có 120-130 đơn đăng ký sáng kiến - sáng chế, thu hút khoảng 500 CBCNV tham gia. Hiện các đơn vị của Vietsovpetro đã có hơn 1.200 giải pháp được công nhận là sáng kiến, bình quân mỗi sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế hàng chục ngàn USD tính từ năm đầu tiên áp dụng. Trong giai đoạn 2001 - 2010, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã cấp 4 bằng độc quyền sáng chế cho Vietsovpetro. Đây là những sáng chế được đánh giá cao không chỉ ở Việt Nam mà còn mang tầm thế giới. Nổi bật nhất là những thành tựu trong việc phát hiện và khai thác thân dầu trong đá móng nứt nẻ với sản lượng lớn, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công ở lĩnh vực này. Đây là đóng góp quan trọng của Việt Nam cho khoa học địa chất dầu khí thế giới.

Trong giai đoạn 2013-2014, phong trào sáng kiến-sáng chế tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 2 năm (2013-2014), các đơn vị tích cực tham gia phong trào sáng kiến-sáng chế, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Xí nghiệp Khoan và Sửa giếng, Xí nghiệp Khai thác Dầu khí, Xí nghiệp Xây lắp, Xí nghiệp Cơ điện, Xí nghiệp Địa vật lý giếng khoan… Có 358 giải pháp đăng ký sáng kiến của CBCNV thuộc 11 đơn vị trong Vietsovpetro đã được xem xét, kết quả có 167 giải pháp được công nhận là sáng kiến, chiếm 82%. Vietsovpetro đã tính toán và xác định hiệu quả áp dụng cho 148 sáng kiến, trong đó có 66 sáng kiến đã được áp dụng, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sản xuất, bảo đảm an toàn cho con người và các công trình bờ, biển nhưng hiệu quả áp dụng không tính ra được thành tiền. Đồng thời có 82 sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế với tổng số tiền hơn 19 triệu USD trong năm áp dụng đầu tiên. Vietsovpetro đã chi trả thù lao, thưởng cho các tác giả của 148 sáng kiến với tổng số tiền 734.574 USD.

Bài, ảnh: NHÃ UYÊN (BÁO BÀ RỊA VŨNG TÀU)